Dấu ấn lịch sử Lý_Thúc_Hiến

Cũng như anh họ Lý Trường Nhân, các nguồn sử liệu không ghi chép lại về thân thế cũng như năm sinh, năm mất của ông.

Năm 468, nhân Thứ sử Giao Châu là Lý Mục chết, ông cùng anh họ Lý Trường Nhân tụ tập dân chúng Giao Châu nổi dậy, giết hết các "bộ khúc", thuộc hạ của thứ sử cũ, cùng quan quân đô hộ và những người lưu ngụ từ phương Bắc sang, tự lập chính quyền riêng. Dù Lưu Tống Minh đế không đồng ý, nhiều lần cử quan viên sang làm Thứ sử nhưng đều bị anh em Lý Thúc Hiến đánh bại, nên đành phải phong cho Lý Trường Nhân chức Thứ sử.[1]

Sau khi Lý Trường Nhân mất, Lý Thúc Hiến lên thay quyền thống lĩnh ở Giao Châu, tự xưng Thứ sử. Năm 477, nhà Lưu Tống cử Tả thái thú Nam Hải là Thẩm Hoán sang Giao Châu làm Thứ sử; chỉ công nhận cho Lý Thúc Hiến làm Ninh Viễn Tư mã, lĩnh Thái thú hai quận Vũ Bình và Tân Xương. Thúc Hiến đã được mệnh của triều đình nhà Tống, lại được lòng người theo phục, bèn đem quân giữ nơi hiểm, không chịu thu nạp Thẩm Hoán. Thẩm Hoán phải ở lại Uất Lâm rồi chết.[2]

Tháng 7 năm 479, Nam Tề Cao đế lên ngôi, "xá tội" cho Giao Châu, sai sứ sang tuyên dương Lý Thúc Hiến là "văn võ toàn tài" và công nhận Thúc Hiến làm Thứ sử Giao Châu.[3]

Mặc dù vậy, nhà Nam Tề vẫn muốn Giao Châu quy thuận. Đầu năm 485, Nam Tề Vũ đế sai Đại tư nông Lưu Khải làm Thứ sử Giao Châu, chỉ huy quân đội các quận Hiến Khang, Lư Lăng và Thủy Hưng sang đàn áp Lý Thúc Hiến và phong trào tự trị. Lý Thúc Hiến sai sứ sang Tề tâu xin bãi binh và theo lệ vài năm lại dâng 20 cỗ mũ đầu mâu toàn bằng bạc và dải lụa bằng lông công, nhưng vua Tề không nghe. Trước sức ép đó, Thúc Hiến phải sang đầu hàng nhà Tề, chấm dứt chính quyền tự trị gần 20 năm của anh em Lý Trường Nhân.[4]

Không rõ kết cục của Lý Thúc Hiến.